Công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống con người theo nhiều cách khác nhau. Các đô thị thông minh đang nỗ lực tận dụng công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ, giải pháp tốt hơn, phục vụ cư dân và giải quyết nhiều vấn đề công cộng.
Khi công nghệ hiện đại không ngừng được nghiên cứu, phát triển, các đô thị dần thay đổi cách vận hành, người dân cũng hình thành thói quen sinh hoạt và làm việc khác với trước đây.
Trong lúc các đô thị bắt tay vào xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch và chống chọi với khủng hoảng kinh tế thế giới, những xu hướng mới cũng bắt đầu xuất hiện với mục tiêu hướng đến xây dựng môi trường sống bền vững, có khả năng thích ứng nhanh hơn với rủi ro, biến cố trong tương lai.
Áp lực tạo nên đô thị thông minh
Thách thức gặp phải trong cuộc sống hàng ngày tạo ra nhiều động lực thúc đẩy đô thị trở nên thông minh hơn: Gia tăng dân số, khủng hoảng y tế toàn cầu, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng kinh tế,... Để giải quyết vấn đề cấp bách, các đô thị cần đánh giá, xem xét lại phương án quy hoạch và định hướng phát triển trong tương lai.
Sự thay đổi lớn trong cuộc sống sau đại dịch Covid-19, sau đó là dự báo khó khăn trong phát triển kinh tế toàn cầu giai đoạn sắp tới đòi hỏi một đô thị thông minh (Smart city) cần phải có sự quản lý đúng cách, hiệu quả hơn, đặc biệt là ở khu vực có mật độ dân cư đông đúc, gia tăng nhanh chóng.
Nhằm đảm bảo cho sự triển bền vững, các đô thị cần giải quyết hợp lý vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, tạo ra một không gian sống “xanh”, kỹ thuật số với khả năng hòa nhập và thích ứng nhanh với nhiều tình huống hoặc rủi ro bất ngờ.
06 xu hướng định hình thành phố thông minh 2023
Xu hướng định hình thành phố thông minh bao trùm nhiều lĩnh vực. Những xu hướng này có thể giúp quốc gia xây dựng, phát triển chiến lược chuyển đổi đô thị, đồng thời cân bằng áp lực ngắn hạn với nhu cầu dài hạn.
Xu hướng được đưa ra dưới đây không loại trừ lẫn nhau nhưng cũng không hoàn toàn phù hợp với mọi đô thị trên thế giới. Nhà quản lý thành phố cần có cách tiếp cận tổng thể, vì hầu hết xu hướng được nhắc đến đều có mối liên hệ, có thể phụ thuộc hoặc bổ sung cho nhau.
1. Mạng 5G hỗ trợ thiết bị và ứng dụng IoT phát triển
Việc triển khai mạng 5G cho phép liên lạc nhanh hơn, đáng tin cậy hơn giữa những thiết bị khác nhau, đồng thời cung cấp dịch vụ thiết yếu cho đô thị thông minh hiệu quả hơn. Công nghệ này mang đến khả năng kết nối tốc độ cao, dung lượng lớn hơn cho các thiết bị Internet vạn vật (IoT - Internet of Things). Nhờ đó, dữ liệu cũng được thu thập đầy đủ, dễ dàng theo thời gian thực.
Việc tích hợp công nghệ IoT trong đô thị thông minh cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng thông minh, bao gồm hệ thống chiếu sáng thông minh, bãi đậu xe thông minh và hệ thống giao thông thông minh.
Ngoài ra, một số tiện ích khác như camera giám sát trí tuệ nhân tạo, hệ thống ứng phó khẩn cấp cùng thuật toán dự đoán tội phạm có thể cải thiện, nâng cao an toàn công cộng bằng cách xác định, cảnh báo trước mối đe dọa tiềm ẩn để đơn vị chức năng kịp thời ứng phó.
Xem thêm bài viết:
Mạng 5G kết nối các thiết bị IoT trong thành phố - Ảnh: Internet
2. Tận dụng trí tuệ nhân tạo và máy học
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent), máy học (ML - Machine learning) được ứng dụng để phân tích dữ liệu, đưa ra dự đoán, cho phép đô thị thông minh tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, cũng như cải thiện quá trình ra quyết định. Nhờ đó, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng của thành phố cũng phát huy được hiệu quả tối ưu.
Các công nghệ đô thị thông minh như nền tảng phản hồi trực tuyến, ứng dụng dành cho thiết bị di động hoặc chatbot giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho công dân, chẳng hạn như: Thanh toán hóa đơn, khám chữa bệnh từ xa, tìm kiếm thông tin.
3. Blockchain hỗ trợ quản lý dữ liệu an toàn, minh bạch
Các thành phố sẽ sử dụng nền tảng dữ liệu tích hợp để thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin giữa nhiều bộ phận khác nhau, cho phép phối hợp, cộng tác tốt hơn trong quá trình giám sát, quản lý và ra quyết định. Những ứng dụng cùng với nền tảng thông minh cung cấp cho công dân quyền truy cập tiện lợi hơn để theo dõi thông tin thời gian thực về dịch vụ, sự kiện của thành phố, cũng như cho phép họ báo cáo khi xảy ra vấn đề.
Đô thị thông minh sẽ cần tập trung vào an ninh mạng để bảo vệ hệ thống, chống lại sự tấn công và vi phạm dữ liệu tiềm ẩn. Quá trình này bao gồm việc triển khai các giao thức truyền thông an toàn, mã hóa dữ liệu.
4. Giao thông thông minh cải thiện lưu lượng, giảm tắc nghẽn
Hệ thống giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transport System) nội đô bao gồm nhiều thành phần, chẳng hạn như trung tâm giám sát, điều hành giao thông theo thời gian thực, xe tự hành, tín hiệu giao thông thông minh,... ITS nội đô trang bị công nghệ hiện đại, hỗ trợ điều phối lưu lượng giao thông, giảm tắc nghẽn, giúp người dân đi lại trong thành phố dễ dàng, an toàn hơn, đặc biệt là tại các đô thị đông đúc.
ITS cũng giải quyết vấn đề nhu cầu đi lại cho người dân sống ở khu vực nông thôn, ngoại thành. Tại những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới hiện nay, mọi người có thể yêu cầu điểm đến với phương tiện công cộng hoặc tự do sử dụng xe máy điện để di chuyển tới nút giao thông lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc tích hợp phương tiện tự hành trong đô thị thông minh được dự đoán sẽ cải thiện hiệu quả giao thông, giảm tắc nghẽn, nâng cao an toàn, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường. Xe tự hành hoạt động tốt trong nhiều loại môi trường cụ thể, chẳng hạn như đường cao tốc, nơi có ít chướng ngại vật và phiền nhiễu, giao thông dễ dự đoán.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển để phương tiện tự hành có khả năng hoạt động tốt hơn trong môi trường đô thị phức tạp. Công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến sẽ mất thêm nhiều thời gian để được áp dụng rộng rãi.
Người dân dễ dàng thuê/mượn xe đạp công cộng tại Trung Quốc - Ảnh: Internet
5. Phát triển tòa nhà thông minh và hệ thống năng lượng thông minh
Hệ thống năng lượng thông minh, tòa nhà thông minh góp phần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon ở đô thị, cải thiện chất lượng nước và không khí, góp phần tăng tính bền vững của môi trường nói chung. Hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
6. Sử dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)
Công nghệ VR (Virtual reality) và AR (Augmented Reality) thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào quy hoạch, thiết kế đô thị.
Đô thị thông minh sẽ tập trung vào việc thu hút người dân tăng cường đóng góp ý kiến trong việc lập kế hoạch, triển khai các sáng kiến xây dựng môi trường chung dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Trực tiếp thu hút người dân tham gia vào những chương trình thay đổi này giúp thu hẹp khoảng cách giữa cư dân và nhà quy hoạch đô thị, từ đó nhu cầu của cư dân cũng được đáp ứng chính xác, đầy đủ hơn.
Các đô thị có thể xây dựng những dự án ảo mà tại đó, cơ sở hạ tầng xanh được phát triển, mô phỏng dịch vụ, tiện ích sẽ xuất hiện trong tương lai để xem xét trước tính phù hợp của chúng ở thế giới thực, cũng như thu nhận phản hồi của người dân trước khi bắt tay vào triển khai trong thực tế.
Sử dụng kính thực tế ảo để quan sát mô phỏng cơ sở hạ tầng - Ảnh: Internet
7. Chú trọng tới thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Đô thị thông minh cần phải tập trung hơn vào việc thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mực nước biển dâng cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan và sóng nhiệt. Tính bền vững sẽ được ưu tiên, thể hiện qua việc sử dụng tối đa công nghệ xanh, tòa nhà tiết kiệm năng lượng, hệ thống giao thông bền vững,...
Những đô thị thông minh trên toàn thế giới đang phát triển như một hệ sinh thái gắn kết, với sự tham gia nhiều thành tố hơn, an toàn, hiện đại, thoải mái hơn. Dữ liệu và các công nghệ mới nổi đang mở đường cho thành phố thông minh đạt được mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự đổi mới, phát triển.