Hệ thống phản ánh hiện trường là “cầu nối”, giúp người dân, tổ chức kết nối với cơ quan chức năng nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nhờ đó, lực lượng chức năng cũng kịp thời nắm bắt thông tin và có phương án xử lý phù hợp.
Trước đây, đối với những vấn đề ảnh hưởng tới người dân và toàn xã hội, rất khó để gửi thông tin ngay lập tức đến các cơ quan liên quan có thẩm quyền xử lý do quy trình rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, những kiến nghị, nguyện vọng, mong muốn, góp ý của người dân đến cơ quan chính quyền còn gặp nhiều trở ngại.
Hệ thống phản ánh hiện trường được nghiên cứu và phát triển để khắc phục tình trạng đó. Chỉ với thiết bị cầm tay như điện thoại di động được kết nối internet, cá nhân, tổ chức đã có thể ngay lập tức gửi thông tin sự kiện, ý kiến phản ánh đến đơn vị chức năng.
Vậy, hệ thống phản ánh hiện trường là gì? Hãy cùng Elcom tìm hiểu sâu hơn trong nội dung dưới đây.
Hệ thống phản ánh hiện trường là gì?
Hệ thống phản ánh hiện trường là một công cụ nằm trong Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC (Intelligent Operation Center). Giải pháp hệ thống thông tin phản ánh hiện trường được triển khai nhằm mục đích hỗ trợ cơ quan nhà nước tiếp nhận các vấn đề phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với các vấn đề bất cập trong xã hội.
Có nhiều kênh thông tin để các tổ chức, cá nhân dễ dàng gửi phản ánh: Website, email, mạng xã hội,... Nhờ đó, người dân có thể kịp thời kết nối với cơ quan chức năng trên địa bàn sinh sống. Phản ánh được gửi thông qua hình thức thông tin, hình ảnh hoặc video clip.
Các thông tin cá nhân được hệ thống thu thập theo chế độ bảo mật, tránh gây ảnh hưởng đến người đưa tin, góp ý. Thông tin được gửi đến sẽ lưu trữ tại IOC, cơ quan xử lý, người truy cập đều không thể nhận biết và khai thác thông tin cá nhân của người gửi tin. Vì vậy, công dân có thể thoải mái gửi phản ánh những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày đến cơ quan chính quyền.
Mục tiêu của hệ thống phản ánh hiện trường
Trước kia, để phản ánh một vấn đề, dù là lớn hay nhỏ, người dân cũng cần phải thực hiện nhiều thủ tục báo cáo với cơ quan chức năng, có những trường hợp với di chuyển giữa nhiều nơi, mất nhiều thời gian và công sức. Thực trạng này đã tạo ra tâm lý ngại phản ánh.
Trong khi đó, cơ quan chức năng thường vất vả tìm hiểu thông tin, cũng như xử lý khiếu nại, góp ý theo đúng quy trình. Thời gian giải quyết đơn thư phản ánh thường kéo dài, đa số đều bị chậm trễ so với thực tế.
Chính vì vậy, lãnh đạo các thành phố thông minh đã đề ra chủ trương xây dựng hệ thống phản ánh hiện trường với chức năng ban đầu là dịch vụ xử lý phản ánh hiện trường của người dân, sau mở rộng thêm các chức năng khác.
Hệ thống phản ánh hiện trường cung cấp cho người dân kênh thông tin chính thống từ chính quyền. Tất cả các bức xúc, nhu cầu, ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, doanh nghiệp đều được tiếp nhận và xử lý theo quy định. Nền tảng số này kết nối cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với chính quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ thuận lợi hơn, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, việc xây dựng hệ thống phản ánh hiện trường đóng vai trò quan trọng, đặt mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân và thu thập dữ liệu làm trung tâm, để từng bước xây dựng và vận hành thành phố thông minh.
Cơ quan chức năng nhận thông tin và xử lý vấn đề nhanh chóng hơn nhờ hệ thống phản ánh hiện trường - Ảnh: Internet
Hệ thống phản ánh hiện trường vận hành như thế nào?
Với hệ thống phản ánh hiện trường, người dân có thể đưa ra ý kiến đóng góp, phản ánh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song song với đó, người dân cũng có quyền quan sát, theo dõi quá trình xử lý phản ánh tại các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ngược lại, phía đơn vị, cơ quan chức trách nhanh chóng nhận được thông tin, đẩy nhanh quá trình làm thủ tục giải quyết vấn đề.
Quy trình xử lý phản ánh diễn ra như sau:
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gửi phản ánh dưới dạng thông tin, hình ảnh, video clip mô tả cho đơn vị chính quyền.
Trung tâm điều hành thông minh tiếp nhận phản ánh hiện trường của người dân; thực hiện xác minh, chuyển phản ánh đến các cơ quan chức năng trong tỉnh xử lý; thực hiện phê duyệt, biên tập và đăng tải kết quả xử lý phản ánh hiện trường. Ngoài ra, IOC là đơn vị theo dõi mức độ hài lòng và tương tác của người dân để yêu cầu các cơ quan xử lý phản hồi.
Các cơ quan chức năng của tỉnh được phân công phối hợp tiếp nhận thông tin phản ánh để tiến hành xử lý và trả kết quả cho Trung tâm IOC; đồng thời theo dõi phản hồi lại các tương tác có liên quan của người dân.
Hệ thống phản ánh hiện trường hỗ trợ rút ngắn thời gian cung cấp thông tin và xử lý phản hồi. Tổng thời gian xử lý phản ánh hiện trường trong vòng khoảng 7 ngày làm việc hoặc linh hoạt theo các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với trường hợp phản ánh phải thực hiện quy trình xử phạt vi phạm hành chính.
Hệ thống phản ánh hiện trường được xây dựng và phát triển dựa trên những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Dữ liệu được xây dựng, lưu trữ đồng bộ, dùng chung trên các nền tảng, sẵn sàng áp dụng các giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại IOC, các hệ thống khác như chatbot, callbot cũng được tích hợp, đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp và tra cứu thông tin của người dân.
Một số hạn chế ở hệ thống giám sát hiện trường
Dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trong quá trình triển khai tại một số tỉnh thành, hệ thống vẫn cho thấy một vài hạn chế như:
Nhiều phản ánh có tính chất phức tạp. Khi phản ánh, công dân chưa nắm rõ quy định, chưa cung cấp đầy đủ thông tin,... dẫn đến công tác xác minh, xử lý cần nhiều thời gian.
Ở nhiều nơi, nhân sự các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý có sự biến động liên tục, kèm theo là nghiệp vụ, kỹ năng vận hành quy trình số còn hạn chế dẫn đến việc xử lý phản ánh còn chậm, chưa dứt điểm.
Nhận thức chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Do đó, việc chủ động kết nối, liên thông dữ liệu từ các hệ thống phần mềm liên quan xử lý phản ánh hiện trường chưa được thông suốt.
Triển khai hệ thống phản ánh hiện trường tại Việt Nam
Nhằm hướng đến thông minh hóa quá trình quản lý thành phố, hệ thống giám sát hiện trường đã được tích hợp trong các Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh.
Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường Hue-S
Hệ thống phản ánh hiện trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế thu thập những phản ánh từ người dân, tổ chức, bao gồm những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, góp ý cho chính quyền,... Chỉ cần đăng nhập vào tài khoản số trên ứng dụng, công dân đã có thể gửi thông tin đến cơ quan chính quyền.
Người dân cũng có quyền theo dõi quá trình xử lý phản ánh, trao đổi thêm thông tin với cơ quan chức năng thông qua hệ thống tương tác phía dưới phản ánh. Nhờ đó, cơ quan chức năng cũng nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đưa ra kết quả xử lý chính xác, phù hợp.
Hue-S được xem như một công cụ đối thoại số, nhằm đảm bảo tiến hành hiệu quả các quyết định của chính quyền cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ.
Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Thừa Thiên Huế tích hợp hệ thống phản ánh hiện trường - Ảnh: Internet
Hệ thống “phản ánh hiện trường” Kết nối chính quyền với Nhân dân tại Ninh Thuận
Kể từ khi triển khai hệ thống phản ánh hiện trường từ cuối năm 2020, IOC Ninh Thuận tiếp nhận và giải quyết rất nhiều trường hợp thông tin phản ánh của người dân.
Hệ thống tiếp nhận để xử lý những vấn đề thuộc lĩnh vực trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; hạ tầng đô thị; các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, trật tự xã hội, chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề khác thuộc đời sống, xã hội.
Người dân có thể gửi thông tin qua nền tảng website, ứng dụng, trang Facebook, Zalo,... Ngay lập tức, thông tin sẽ được IOC tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận, phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý và gửi phản hồi đến người dân.
Quá trình triển khai hệ thống phản ánh hiện trường tại Ninh Thuận bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong nâng cao trách nhiệm, ý thức xã hội, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy tính cộng đồng của mỗi người dân đối với công tác giám sát, quản lý hoạt động của chính quyền, xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài hai tỉnh thành nêu trên, hệ thống phản ánh hiện trường hiện đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước như: Hải phòng, Lào Cai, Tây Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk,... Nhờ đó người dân được hỗ trợ tối đa, nhanh chóng, hiệu quả khi nhận thấy những vấn đề bất cập tại nơi sinh sống, làm việc, tham quan du lịch,...
Hệ thống phản ánh hiện trường cho thấy nhiều lợi ích trong quá trình chuyển đổi số xã hội. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao nếp sống hiện đại, văn minh tại các thành phố thông minh nói riêng và toàn xã hội nói chung.