Ngành giáo dục đã, đang biến chuyển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến quá trình chuyển số giáo dục trở nên rõ nét và quan trọng hơn bao giờ hết.
Thuật ngữ “Chuyển đổi số trong giáo dục” bắt đầu từ đại dịch Covid-19. Ước tính trên thế giới, khoảng 1,5 tỷ học sinh, bao gồm 90% học sinh thuộc cấp tiểu học, trung học và đại học không thể đến trường.
Vì vậy, để hỗ trợ việc dạy và học từ xa, cơ sở giáo dục cần triển khai những giải pháp EdTech (Educational technology - Công nghệ giáo dục). Quá trình chuyển đổi số này của ngành giáo dục không chỉ giới hạn ở việc dạy và học trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh, nó tiếp tục phát triển ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.
1. Chuyển đổi số trong giáo dục là gì?
Chuyển đổi số trong giáo dục (Digital Transformation in Education) là việc ứng dụng công nghệ số như: máy tính, thiết bị di động, Internet vạn vật (IoT - Internet of Things),… nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, quản lý giáo dục. Quá trình này từng bước tạo nên nền giáo dục thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên trong thời đại số hóa.
Một vài ví dụ về chuyển đổi số trong giáo dục có thể kể đến như: Lớp học trực tuyến, lớp học thực tế ảo (VR – Virtual Reality), tài liệu học tập điện tử, các thiết bị giáo dục thông minh,… Ngoài ra, chuyển đổi số còn là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành tổ chức giáo dục và quản lý cơ sở vật chất.
2. Ưu điểm của việc chuyển đổi số trong giáo dục
Thực trạng tại Việt Nam hiện nay cho thấy, chuyển đổi số trong giáo dục đang ngày càng được phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với ngành giáo dục bởi những ưu điểm và lợi ích mà nó mang lại:
Tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức: Chuyển đổi số trong giáo dục mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận kiến thức đa dạng, phong phú từ khắp nơi trên thế giới thông qua công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), IoT, dữ liệu lớn (Big data),… Nguồn tài nguyên số hóa này thường bao gồm: Tài liệu, học liệu, khóa học online,…
Tiết kiệm thời gian và nguồn lực: Sử dụng công nghệ số trong giáo dục giúp giảm bớt nguồn lực cho hoạt động giảng dạy, học tập truyền thống. Với các công cụ và công nghệ thông minh, giáo viên có thể tổ chức, quản lý lớp học dễ dàng. Từ đó hỗ trợ hoạt động giảng dạy, theo dõi, đánh giá kết quả từng học sinh một cách sát sao. Về phía học sinh, các em có thể tiếp cận kiến thức và tài nguyên giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị di động thông minh.
Tiết kiệm chi phí: Chuyển đổi số giúp cơ sở giáo dục tiết kiệm chi phí cho việc giảng dạy như: bảng đen, bút, phấn, giấy cùng nhiều dạng tài liệu in ấn khác.
Tài liệu được lưu trữ trực tuyến, chia sẻ qua mạng thay vì lưu kho. Từ đó, giảm bớt chi phí vận chuyển và lưu trữ tài liệu truyền thống như sách giáo khoa, vở bài tập,… Đặc biệt, các lớp học online, khóa học trực tuyến thường có mức học phí rẻ hơn lớp học trực tiếp bên ngoài. Học sinh có thể vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo tiếp thu kiến thức tốt nhất.
Các nền tảng học tập trực tuyến đang dần trở nên phổ biến hơn - Nguồn ảnh: Internet
Xem thêm bài viết: 10 cách Trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay đổi nền giáo dục tương lai
3. Những thách thức khi chuyển đổi số trong giáo dục
Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành giáo dục nói riêng và nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, nhưng quá trình này hiện vẫn còn gặp nhiều cản trở. Dưới đây là một trong những thách thức phổ biến nhất khi các tổ chức giáo dục bắt tay vào chuyển đổi số:
Chi phí đầu tư ban đầu: Để triển khai hệ thống chuyển đổi số trong giáo dục một cách toàn diện, nhiều cơ sở giáo dục cần phải đầu tư một số tiền không nhỏ vào cơ sở vật chất, phần mềm, hoạt động đào tạo. Những chi phí này thường khiến tổ chức giáo dục có ngân sách hạn chế e ngại.
Thiếu hụt kỹ năng cần thiết: Trong quá trình chuyển đổi số, một số giáo viên có kỹ năng kỹ thuật cao, trong khi đó một số khác cảm thấy khó có thể sử dụng thành thạo công nghệ mới trong giảng dạy, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi đã quen với cách dạy học truyền thống. Do đó, cần có chương trình đào tạo bài bản để hỗ trợ giáo viên thích nghi, ứng dụng công nghệ vào việc dạy học.
Vấn đề bảo mật dữ liệu: Dữ liệu của học sinh và giáo viên thường được lưu trữ trên các nền tảng dữ liệu số như chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing),... tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra lỗ hổng bảo mật và tấn công mạng. Vì vậy, bảo mật là một vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết để bảo vệ thông tin của tổ chức giáo dục.
Chưa sẵn sàng thay đổi: Chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang giáo dục số đòi hỏi sự thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Điều này cũng có thể làm tăng áp lực và đòi hỏi sự thay đổi lớn đối với toàn bộ cơ sở giáo dục, người dạy và người học.
4. Chuyển đổi số ở các bậc giáo dục
Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ áp dụng cho đại học, cao đẳng mà còn ở những bậc giáo dục thấp hơn như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông. Mỗi bậc giáo dục đều có đặc thù riêng, do đó việc chuyển đổi số thường được thực hiện một cách cụ thể để đáp ứng từng yêu cầu khác nhau.
Ví dụ, tại mầm non, chuyển đổi số có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng ứng dụng học tập trực tuyến để trẻ em tương tác và học tập một cách vui nhộn, kích thích trí thông minh của trẻ. Bên cạnh đó, các phần mềm hỗ trợ quản lý lớp học cũng giúp giáo viên theo dõi tiến trình học tập của trẻ dễ dàng hơn.
Với phía phụ huynh, chuyển đổi số trong giáo dục mầm non tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm soát được quá trình học tập của con em mình chặt chẽ, tăng tính minh bạch trong giảng dạy và học tập.
Đối với bậc đại học, chuyển đổi số giúp sinh viên dễ dàng truy cập nhiều tài liệu, tiện ích, công cụ học tập thông minh. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của chuyển đổi số trong giáo dục đại học là các hệ thống quản lý học tập trực tuyến. Hệ thống này cho phép người học truy cập nội dung học tập và tài liệu từ xa, tham gia những hoạt động học tập trực tuyến, làm bài kiểm tra, nộp bài tập, đăng ký học phần, đăng ký tín chỉ,...
Hơn nữa, môi trường đại học là nơi quy tụ sinh viên đến từ nhiều vùng miền, tỉnh thành khác nhau. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong giáo dục đại học cung cấp phương tiện để họ tiếp cận với tài nguyên giáo dục hiệu quả, chất lượng.
Tương tự, chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp cung cấp cho người học một môi trường học tập tiên tiến, linh hoạt. Học sinh học nghề từ đó có thể tiếp cận trực quan với những thiết bị và kỹ thuật mới, nâng cao kỹ năng thực tiễn và trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực của mình
5. Công nghệ chuyển đổi số trong giáo dục
Để chuyển đổi số ngành giáo dục thành công, công nghệ chính là yếu tố cốt lõi giúp cho quá trình học tập trở nên dễ dàng và tiện lợi.
Các công nghệ chuyển đổi số như học tập trực tuyến, video giảng dạy, phần mềm học tập, trò chơi giáo dục, mô phỏng 3D và trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng để học sinh tiếp cận với kiến thức một cách hiệu quả hơn.
Trí tuệ nhân tạo: Không chỉ riêng ngành giáo dục, AI còn là loại công nghệ phổ biến trong mọi lĩnh vực hiện nay. Việc tích hợp AI vào quá trình dạy học sẽ cá nhân hóa việc học của từng học sinh, giúp nắm vững vững điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của mình. Hơn nữa, trí thông minh nhân tạo còn có khả năng tự động hóa việc chấm bài kiểm tra. Từ đó, giáo viên có thể tiết kiệm thời gian để tập trung cho các hoạt động đòi hỏi sáng tạo và tính tương tác cao đối với học sinh.
Internet vạn vật (IoT): Công nghệ Internet vạn vật tạo ra môi trường học tập thông minh. Các thiết bị IoT có thể sử dụng để giám sát và quản lý hệ thống thiết bị trong lớp như đèn, quạt, điều hòa, âm thanh,.. Bên cạnh đó, công nghệ IoT giúp giáo viên theo dõi tiến độ của học sinh, cung cấp phản hồi và đề xuất để cải thiện hiệu quả học tập. Nếu như trước đây việc học chỉ giới hạn ở nội dung trong sách giáo khoa, các tài liệu truyền thống thì giờ đây, những bài giảng này còn được kết nối với internet, bổ trợ video sinh động, hình ảnh minh họa trực quan, tài liệu bổ sung,…
Chatbot: Chatbot, đặc biệt là những chatbot trang bị AI là một công cụ không thể thiếu trong các nền tảng học tập trực tuyến. Nó mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giáo viên và cả nhân viên quản lý cơ sở giáo dục. Trong quá trình học tập, chatbot hỗ trợ học sinh thực hiện nhiều tác vụ cơ bản, trả lời câu hỏi, cung cấp phản hồi, thậm chí tư vấn giáo án phù hợp. Vì vậy, nhiều cơ sở giáo dục ngày nay đã đầu tư vào công nghệ chatbot đồng thời tùy chỉnh, cải tiến để tối ưu quá trình giảng dạy và học tập.
Vũ trụ ảo (Metaverse): Metaverse có thể hiểu là một thế giới ảo trong không gian kỹ thuật số. Bằng công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality) và thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality), học sinh có thể đắm mình vào một môi trường cực kỳ chân thực. Đây là cơ hội để áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, tiếp thu kiến thức tốt hơn và cải thiện trải nghiệm học tập. AR và VR dùng để mô phỏng trực quan kiến thức như thể đang trực tiếp trải nghiệm thực tế . Ví dụ: Hình ảnh 3D trong môn Vật lý có thể giúp học sinh hiểu được những quy tắc, nguyên lý vận động, dòng chảy vật chất,...
Blockchain: Đây hiện là công nghệ đang thu hút sự chú ý nhất trong những năm gần đây. Bởi nó có tác động tích cực đến đến nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả giáo dục. Blockchain có khả năng lưu trữ và cung cấp thông tin về học sinh như điểm danh, kết quả học tập,... Một khi dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng này, sẽ khó để sửa đổi hoặc can thiệp. Chỉ có các cá nhân được cấp quyền mới có thể truy cập. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng Blockchain để lên kế hoạch công việc của mình, ghi lại bài giảng, ra nhiệm vụ cho học sinh,..
Trải nghiệm thế giới xung quanh bằng công nghệ thực tế ảo VR - Nguồn ảnh: Internet
Xem thêm bài viết: Thực tế tăng cường trong giáo dục thông minh: Cách học thú vị
Tổng kết lại, chuyển đổi số đang là một xu hướng quan trọng trong việc phát triển giáo dục hiện đại. Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích, giúp cải thiện chất lượng giáo dục, tăng tính tương tác và khả năng học tập của học sinh và sinh viên. Ngoài ra, quá trình này còn giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường quản lý và theo dõi tiến trình, đồng thời mở rộng cơ hội học tập và đào tạo cho mọi người.
Để chuyển đổi số thành công, các cơ sở quản lý giáo dục cần có chính sách và quy định phù hợp, đồng thời đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao khả năng sử dụng công nghệ cho giáo viên và sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng nền giáo dục Việt Nam.