Tin tức & Sự kiện
Blog

Hệ thống giám sát môi trường tự động: Đảm bảo môi trường sống xanh

time 17 tháng 05, 2023

Hệ thống giám sát môi trường ra đời nhằm thực hiện công tác theo dõi, chuẩn bị đánh giá tác động môi trường với con người và ngược lại, những thay đổi của môi trường xảy ra do hoạt động của con người.

Hệ thống giám sát môi trường cung cấp thông tin liên tục về các yếu tố như: Nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, rò rỉ nước, tràn dầu, bồi đắp hoặc xâm lấn, báo cháy, ngắt điện,...

Giám sát môi trường là gì?

Theo các chuyên gia, giám sát môi trường mô tả quá trình cùng những hành động cần lên kế hoạch, thực hiện để giám sát chất lượng môi trường. Đây là công tác cần thiết, chuẩn bị cho quá trình đánh giá tác động môi trường, cũng như những trường hợp khác mà ở đó, hoạt động của con người gây ra những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Tất cả chiến lược và chương trình giám sát được thiết kế để thiết lập trạng thái hiện tại của môi trường hoặc để thiết lập chiều hướng các thông số môi trường. Kết quả giám sát sẽ được xem xét kỹ lưỡng, phân tích, thống kê và công khai minh bạch. Do đó, các thiết kế của một chương trình, hệ thống phải liên quan trực tiếp đến mục đích sử dụng cuối cùng của dữ liệu trước khi bắt đầu giám sát.

Công tác giám sát môi trường cần được thực hiện định kỳ 6 tháng/lần. Báo cáo giám sát môi trường sẽ thể hiện kết quả chất lượng tình trạng môi trường của dự án, nhà máy tới cơ quan chức trách có thẩm quyền.

Những vấn đề chính cần quan tâm trong giám sát môi trường

Báo cáo giám sát môi trường cần thể hiện rõ ràng chất lượng môi trường thông qua mỗi kỳ thống kê, đồng thời kèm theo giải pháp khắc phục các vấn đề cạnh tranh trong thời kỳ bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp đó.

Giám sát chất lượng không khí

Thiết bị chuyên dụng và phương pháp phân tích tối ưu được sử dụng để đo nồng độ ô nhiễm trong không khí. Quá trình giám sát này được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu để kiểm tra, theo dõi chất lượng không khí. Thông qua dữ liệu thu thập được về chất lượng không khí theo không gian và thời gian, có thể đánh giá những ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến phơi nhiễm với các mức theo dõi.


Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn - Ảnh: Internet

Giám sát đất

Đây là hành động cần thiết nhằm đánh giá mức độ nhiễm độc của đất xung quanh doanh nghiệp, xưởng sản xuất, nhà máy, khu dân cư,...

Giám sát chất lượng nước

Cắt giảm lượng nước sử dụng trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất,... quá nhiều mà không có mục đích rõ ràng, nguồn nước được đảm bảo an toàn, vệ sinh là mục tiêu hệ thống giám sát chất lượng nước hướng đến.

Quy định về giám sát môi trường định kỳ

Báo cáo giám sát môi trường định kỳ, nay được gọi là báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, là một hình thức đánh giá chất lượng ngắn hạn môi trường tại cơ sở và báo cáo định kỳ về cơ quan có thẩm quyền như các chi cục bảo vệ môi trường, Phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Báo cáo này nhằm mục đích theo dõi quan trắc số liệu của mỗi công ty, làm cơ sở để đánh giá được tác động ảnh hưởng của nguồn ô nhiễm phát sinh, giúp công ty xây dựng biện pháp xử lý thích hợp, ngăn chặn được sớm vấn đề ô nhiễm.

Nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường có thể là khí thải, nước thải, chất thải rắn có khả năng gây nguy hại, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, định kỳ sẽ được lấy mẫu phân tích tra cứu mức độ ô nhiễm theo quy định của nhà nước.

Quy trình thực hiện lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ như sau:

  • Đánh giá hiện trạng môi trường xung quanh, thu thập số liệu về hoạt động của cơ sở, điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa chất, kinh tế - xã hội liên quan.

  • Xác định nguồn gây ô nhiễm.

  • Thực hiện lấy mẫu không khí/đất nhà xưởng, xung quanh, nước thải,... sau đó đo đạc, đánh giá tác động của quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lên môi trường.

  • Cam kết khắc phục vấn đề, đưa ra biện pháp và thời gian khắc phục cụ thể; Đồng thời, cam kết vận hành và thực hiện thường xuyên các biện pháp xử lý, giảm thiểu chất thải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của môi trường; Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Trình nộp báo cáo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét và giải quyết về báo cáo giám sát môi trường định kỳ: Sở Tài nguyên và Môi trường, các phòng Môi trường ở quận, huyện.

Vai trò của hệ thống giám sát môi trường

Hệ thống giám sát môi trường là công cụ phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường bền vững.

Hệ thống giám sát môi trường (hay hệ thống quan trắc môi trường) bao gồm 2 thành phần chính: Phần cứng và phần mềm. Phần cứng bao gồm máy móc, phục vụ cho quá trình đo đạc, lấy mẫu thí nghiệm. Phần mềm là hệ thống dữ liệu tập trung mà tại đó, thông tin được thu thập, quản lý. Hệ thống lưu trữ dữ liệu của mỗi mẫu vật trong một khoảng thời gian dài, đủ để phục vụ tối ưu cho quá trình đánh giá và theo dõi.

Hệ thống giám sát môi trường được tích hợp tại trung tâm điều hành thông minh IOC (Intelligent Operation Center), giúp nhà quản lý thành phố theo dõi, nắm bắt thông tin một cách chính xác, hiệu quả nhất, thuận tiện cho quá trình ra quyết định và chỉ đạo thực hiện trong mọi trường hợp.


Hệ thống giám sát môi trường có thể tích hợp vào trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh - Ảnh: Internet

Các tổ chức, đơn vị tham gia hệ thống quan trắc môi trường

  • Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường.

  • Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường.

  • Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường.

  • Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện.

Nhiệm vụ, chức năng của hệ thống quan trắc môi trường

Hệ thống giám sát môi trường đảm nhận những vai trò quan trọng như sau:

  • Theo dõi, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng môi trường nhằm đưa ra hướng cảnh báo, cải tạo và xây dựng báo cáo diễn biến môi trường.

  • Kịp thời đưa ra cảnh báo diễn biến bất thường hay nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.

  • Lưu trữ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ cho các hoạt động liên quan đến môi trường ở hiện tại và tương lai, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

  • Đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý chất thải, hỗ trợ nhà nước trong việc quản lý, phát hiện và xử phạt các đơn vị không thực hiện đúng quy định xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Hệ thống giám sát môi trường là công cụ cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường. Tầm quan trọng của hoạt động quan trắc ngày càng được khẳng định. Hệ thống giám sát môi trường cần bám sát, đảm bảo theo trình tự, quy trình và kỹ thuật quan trắc theo mỗi chương trình quan trắc khác nhau để đạt được kết quả chính xác, khả quan nhất.

Hệ thống giám sát môi trường gồm những loại nào?

Hiện nay, có 2 phương án chính để thực hiện giám sát môi trường là quan trắc trực tiếp định kỳ và sử dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động (trạm quan trắc môi trường online).

Nhằm tiến đến mục tiêu chuyển đổi số thông minh, nhiều thành phố đã triển khai hệ thống giám sát môi trường tự động (còn gọi là hệ thống quan trắc môi trường tự động). Trạm quan trắc được điều khiển từ xa thông qua kết nối internet. Đồng thời, hệ thống trang bị chức năng tự động cảnh báo khi phát hiện các chỉ số vượt ngưỡng cho phép.

Hệ thống quan trắc môi trường tự động tích hợp tại IOC được các chuyên gia đánh giá là giải pháp nhanh chóng, tiên tiến với độ chính xác cao.

Hệ thống giám sát môi trường tự động cơ bản bao gồm:

Quan trắc môi trường không khí

Hệ thống quan trắc môi trường gồm các thông số giám sát cố định môi trường không khí gồm: lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2 dư, bụi tổng, SO2, NOX, CO. Ngoài ra còn các thông số đặc thù khác theo ngành nghề cụ thể.

  • Quan trắc môi trường khí xung quanh: Đo lường và giám sát chất lượng bầu không khí quanh con người, động thực vật

  • Quan trắc môi trường khí thải: Đo lường và giám sát các chỉ tiêu vật lý và hóa học trong nguồn khí thải công nghiệp phát ra từ ống khói, ống xả của các nhà máy, khu chế xuất.

Đối tượng bắt buộc lắp đặt hệ thống giám sát môi trường không khí tự động là các cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lưu lượng lớn xả ra môi trường: Nhà máy nhiệt điện, lò đốt chất thải tập trung, cơ sở sản xuất gạch ngói, thủy tinh,...

Quan trắc môi trường nước

Các thông số cơ bản khi thực hiện quan trắc môi trường nước gồm: lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, nhiệt độ, độ pH, tổng chất rắn lơ lửng TSS, COD online, Amoni. Ngoài ra còn có các thông số đặc trưng khác theo yêu cầu của nhà nước đối với đặc thù của từng nguồn nước.

  • Quan trắc môi trường nước ngầm: Đo lường và giám sát chất lượng nguồn nước dưới mặt đất.

  • Quan trắc môi trường nước mặt: Đo lường và giám sát chất lượng nguồn nước tại các ao hồ, sông, suối...

  • Quan trắc môi trường nước thải: Đo lường và giám sát tác động của các nguồn xả thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải y tế…

Đối tượng bắt buộc lắp đặt hệ thống giám sát môi trường nước tự động là nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô xả thải từ 500m3/ngày đêm, như: Nhà máy sản xuất xi măng, dệt nhuộm, sản xuất phân bón thuốc trừ sâu,...


Các nhà máy, khu công nghiệp là đối tượng cần triển khai hệ thống quan trắc môi trường tự động - Ảnh: Internet

Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu cấp bách khi đời sống xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, những công cụ tự động như hệ thống giám sát môi trường đóng vai trò quan trọng, cần được nghiên cứu chuyên sâu và phát triển rộng khắp hơn nữa trong tương lai.


Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.
Hợp đồng thông minh là gì? Ứng dụng Smart contract trên Blockchain
Hợp đồng thông minh là gì? Ứng dụng Smart contract trên Blockchain
time 07/08/2024
Hợp đồng thông minh (Smart contract) là một giao thức giao dịch dựa trên công nghệ blockchain. Công cụ này mang lại nhiều lợi ích đối với tất cả các bên tham gia hợp đồng.