Nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình theo dõi và ra quyết định, hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đã và đang xây dựng trung tâm giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội tập trung.
1. Hệ thống giám sát và điều hành kinh tế - xã hội là gì?
Hệ thống giám sát và điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội thường được tích hợp tại Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), cung cấp cho nhà quản lý thành phố cái nhìn rõ nét về các xu hướng tăng hoặc giảm, sự biến động của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Dữ liệu được thể hiện trực quan để nắm bắt bản chất của các số liệu đã được xác lập ở thời điểm hiện tại và trong quá khứ, từ đó giúp nhà quản lý đưa ra nhận định, dự đoán trong tương lai. Đồng thời, hệ thống có khả năng đưa ra cảnh báo khi xuất hiện yếu tố bất thường, các hoạt động không hiệu quả như nguy cơ vượt chi ngân sách, không hoàn thành thu ngân sách, chỉ số tăng trưởng kinh tế,…
Dữ liệu có thể theo dõi trên nhiều nền tảng như website, ứng dụng di động, ngay cả trên thiết bị di động cầm tay. Nhờ đó, đơn vị quản lý có thể dễ dàng theo dõi thông tin cũng như các cảnh báo mọi lúc mọi nơi.
2. Chức năng của hệ thống giám sát kinh tế - xã hội
Hệ thống giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tại các tỉnh, thành phố có chức năng tổng hợp, giám sát, điều hành những vấn đề liên quan đến kinh tế - dịch vụ đô thị thông minh.
Hệ thống bao gồm các thiết bị tập trung dữ liệu, màn hình hiển thị, camera giám sát, chatbot thông minh, tổng đài,… Khi hệ thống được tích hợp trong IOC, nhà lãnh đạo và quản lý thành phố có thể theo dõi các con số, báo cáo, phân tích, thống kê thông qua màn hình tập trung, đồng thời ra lệnh chỉ huy nhanh chóng để xử lý tình huống khẩn cấp.
Chức năng chính của hệ thống giám sát kinh tế - xã hội:
- Cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp thông tin phục vụ quá trình hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
- Thu thập thông tin, dữ liệu trong nước và quốc tế từ nhiều nguồn khác nhau, phục vụ công tác phân tích, dự báo và cảnh báo kinh tế - xã hội.
- Tổng hợp, phân tích thông tin phản hồi và đánh giá tác động của cơ chế, chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội.
- Phân tích, dự báo và cảnh báo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đưa ra dự báo, cảnh báo và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chính sách trong quá trình chỉ đạo, điều hành, thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Màn hình hiển thị các chỉ tiêu kinh tế - xã hội dưới dạng biểu đồ trực quan - Ảnh: Internet
3. Tình hình triển khai hệ thống giám sát kinh tế - xã hội tại Việt Nam
Hệ thống giám sát, điều hành kinh tế - xã hội thu thập và cung cấp khối lượng lớn thông tin có giá trị cho các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh, thành phố. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đã và đang bắt tay vào triển khai mô hình này.
Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thực hiện chức năng thông tin, dự báo và cảnh báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
Tại một số tỉnh thành, hệ thống giám sát kinh tế - xã hội cũng được tích hợp tại các Trung tâm giám sát điều hành thông minh, góp phần thực hiện chức năng tổng hợp, giám sát, điều hành các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh. Một số tỉnh thành đang bước đầu triển khai hệ thống bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đắk Lắk,…
Đây được xem là nền tảng cho việc xây dựng chính quyền số và thành phố thông minh theo đúng định hướng Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Được biết, hệ thống có khả năng tổng hợp thông tin kinh tế, xã hội, các nhóm chỉ tiêu áp dụng ở cấp thành phố, quận, huyện, sở, ngành sẽ được chia thành những nhóm lĩnh vực khác nhau cùng nhiều chỉ tiêu cụ thể.
Thông tin thu thập được phân loại theo thời gian (ngày, tuần, tháng, quý, năm), theo từng nhóm chỉ tiêu, trình diễn dưới dạng biểu đồ, đồ thị, đi kèm hình ảnh minh họa. Nhờ đó, hệ thống hỗ trợ các lãnh đạo các cấp theo dõi, đánh giá mức độ tăng giảm, tỉ lệ hoàn thành so với kế hoạch, so sánh số liệu cùng kỳ hoặc giữa các giai đoạn.
Thông qua hệ thống, ban lãnh đạo cũng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị. Từ đó đưa ra đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa ra các định hướng, quyết định và hành động phù hợp.
Song
song với đó, nhiều tỉnh thành còn được tích hợp thêm hệ thống lắng nghe dư luận
xã hội (Social listening), giúp theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân
thông qua tổng đài, chatbot thông minh. Hệ thống sẽ cung cấp các thông tin,
tình hình xử lý phản ánh kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ GIS thành phố
và các khối biểu đồ cột, biểu đồ tròn,… nhằm mang lại góc nhìn trực quan hơn.
Với hệ thống Social listening, nhà quản lý có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị của người dân. Qua đó, theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp trong thành phố.
Người dân có thể đóng góp ý kiến nhanh chóng, dễ dàng qua hệ thống chatbot thông minh - Ảnh: Internet
Xem thêm bài viết:
- Social listening là gì? Tầm quan trọng của Social listening
- Hệ thống giám sát an ninh trật tự: Vì một thành phố thông minh an toàn
Hệ thống giám sát, điều hành kinh tế - xã hội là một trong những mảnh ghép quan trọng của trung tâm điều hành thông minh IOC. Trong tương lai không xa, hệ thống này có thể sẽ được phát triển rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước.