Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Safe City: Công nghệ biến các thành phố trở nên an toàn hơn

time 16 tháng 05, 2022

Khái niệm Thành phố an toàn (Safe city) được nhắc đến khá phổ biến gần đây. Đây là một trong số những yêu cầu cơ bản của thành phố thông minh... Với sự xuất hiện của công nghệ, các thành phố ngày càng được đảm bảo an ninh, trật tự và được quản lý hiệu quả, thông minh hơn.

Tính an toàn được xem là một trong những yếu tố chính tạo nên sự hấp dẫn của một thành phố đối với cư dân, du khách. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và một số phương tiện khác được xem là chiến lược giúp các thành phố nâng cao độ an toàn, giải quyết vấn đề cấp bách về giao thông, an ninh trật tự, môi trường, đô thị,...

1. Thành phố an toàn (Safe City) là gì?

Thành phố an toàn (Safe City) là một khía cạnh của thành phố thông minh. Safe city tập trung vào giải quyết các vấn đề về tội phạm, an ninh đô thị, môi trường,... 

Thành phố an toàn (Safe City) là ý tưởng cộng đồng sử dụng công nghệ để giúp chính phủ, doanh nghiệp và xã hội giảm thiểu tội phạm, vấn đề sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Safe City cung cấp môi trường sống lành mạnh, thoải mái, an toàn.

Để phát triển một thành phố an toàn, trước tiên, Chính phủ cần phải đánh giá mức độ an toàn của thành phố. Chỉ số an toàn của thành phố (SCI - Safe City Index) là chỉ số do Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu - (Economist Intelligence Unit EIU) thuộc tạp chí The Economist đánh giá.

Hơn 2 năm đương đầu với đại dịch, các tiêu chí về thành phố an toàn đã thay đổi. Năm 2021, EIU sử dụng 76 tiêu chí riêng thuộc 5 bộ tiêu chí trụ cột để đánh giá thành phố an toàn. 5 tiêu chí lớn bao gồm: con người, cơ sở hạ tầng, an ninh y tế, an ninh kỹ thuật số và an ninh môi trường.

2. Ứng dụng công nghệ trong thành phố an toàn

Công nghệ thông minh hứa hẹn sẽ cung cấp cho nhiều tổ chức, Chính phủ, doanh nghiệp khả năng cải thiện an toàn công cộng bằng những ứng dụng khác nhau.

Công nghệ thông minh như Internet vạn vật (IoT - Internet of Things), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent) được ứng dụng trên thiết bị thông minh. Các công nghệ này đang dần được triển khai để cải thiện an toàn công cộng, tuy nhiên cũng có thể mang đến rủi ro mới liên quan đến bảo mật thông tin, trách nhiệm thực thi pháp luật.

Một số ứng dụng công nghệ đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong thành phố an toàn có thể kể đến như:

Giám sát video và âm thanh thông minh

Giám sát video đã có từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và âm thanh thông minh làm cho nó hiệu quả hơn, có thể hoạt động, kết nối với những hệ thống thiết bị thông minh khác.

Các điểm mù trong video, hình ảnh chất lượng thấp, truy xuất dữ liệu chậm gây ra nhiều cản trở cho chính quyền trong việc bảo vệ công dân của họ. Công nghệ tạo ra nhiều sự cải tiến đối chất lượng video và âm thanh. Camera có độ phân giải cao, có thể quan sát, thu âm thanh cả trong điều kiện ánh sáng hoặc thời tiết kém.

Tại nhiều quốc gia, camera giám sát được lắp đặt ngay trên các phương tiện công cộng. Camera trên tàu, xe bus hữu dụng trong việc bảo vệ nhân viên, hành khách khỏi các vụ trộm cắp, lạm dụng, tấn công. 

Trong trường hợp xảy ra sự cố, tài xế hoặc hành khách có thể gửi tín hiệu đến trung tâm điều hành thông qua nút cảnh báo. Công nghệ âm thanh thông minh cũng hỗ trợ phát cảnh báo tự động thông qua âm thanh cụ thể như vỗ tay, nói lớn giọng,...

Ngoài ra, hệ thống camera và cảm biến bên ngoài phương tiện giao thông có chức năng cảnh báo vật thể xuất hiện trong điểm mù; thông báo phương tiện đang đến gần điểm dừng hoặc hành khách đang chờ;...


Camera giám sát thông minh được ứng dụng phổ biến trong đời sống - Ảnh: Internet

Xem thêm: Camera giao thông - Thay CSGT bắt lỗi vi phạm

Hệ thống đèn đường thông minh

Đèn chiếu sáng đường phố thường là công nghệ thông minh đầu tiên mà các thành phố áp dụng để giảm tiêu thụ năng lượng. Những cột đèn thông minh cũng có thể được nối mạng và điều khiển từ xa để ngăn chặn tội phạm, phát hiện hành vi gây mất an toàn, trật tự, đồng thời gửi thông báo cho cộng đồng qua loa phát thanh.

Hệ thống đèn đường thông minh có thể được lắp đặt tại các điểm dừng đỗ phương tiện giao thông, đặc biệt là điểm chờ phương tiện công cộng. Đèn đường thông minh tăng khả năng chiếu sáng trong đêm khi hành khách đang chờ đợi. Từ đó giúp ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi phạm tội, chống đối xã hội.

Hệ thống điều khiển di động

Hệ thống giám sát cố định có khả năng quan sát tốt nhưng lại bị giới hạn phạm vi. Điều này sẽ tạo nên những điểm mù trong thành phố. Hệ thống điều khiển di động ra đời để giải quyết vấn đề này.

Hệ thống bao gồm các camera đeo bên người và mái vòm camera xoay tròn di động PTZ (Pan Tilt Zoom). Chúng có thể phản ứng linh hoạt, nhanh nhẹn, cho phép ghi nhận, phát hiện, đồng thời thông báo tình huống khẩn cấp tại những điểm mù mà giám sát cố định bị hạn chế.

Hệ thống kiểm soát báo động

Việc cài đặt hệ thống kiểm soát báo động giúp giảm thiểu đáng kể nguồn nhân lực. Công nghệ phát hiện, cảnh báo thông minh được xây dựng dựa trên độ chính xác nghiêm ngặt. Hệ thống đảm bảo các cảnh báo gửi đến trung tâm chỉ huy là hợp lệ và cần được phản hồi.

Triển khai hệ thống kiểm soát báo động nâng cao mức độ an toàn cho cư dân sinh sống trong thành phố. Thậm chí, lực lượng chức năng có thể thực hiện những cuộc gọi khẩn cấp tới người có nguy cơ gặp nguy hiểm trước khi sự kiện xảy ra.

Hệ thống giám sát sinh trắc học

Một số thiết bị sinh trắc học có thể phân tích tính cách, cảm xúc cùng với lý trí con người dựa trên dấu vân tay, đặc điểm khuôn mặt, dáng đi, giọng nói,... Hệ thống back-end sẽ so sánh các thông tin thu thập được với cơ sở dữ liệu cá nhân.

Công nghệ xác thực bằng sinh trắc học đã ra đời từ lâu nhưng chủ yếu mới chỉ ứng dụng ở cấp chính phủ, bộ ban ngành an ninh, công nghiệp quốc phòng. Gần đây, trước sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, công nghệ xác thực bằng sinh trắc học đã có bước tiến đáng kể, bỏ qua những rào cản, nâng cao độ chính xác trong giải pháp xác thực.

3. Những thành phố an toàn nhất thế giới

CNN đưa tin, Economist Intelligence Unit đã công bố Chỉ số Thành phố An toàn (SCI) của năm 2021, xếp hạng 60 điểm đến quốc tế, theo tiêu chí về an ninh kỹ thuật số, an ninh y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh cá nhân và thêm một tiêu chí mới của năm là an ninh môi trường.

Các thành phố Châu Á thường giữ được phong độ ổn định như Tokyo, Osaka của Nhật Bản, Singapore chiếm giữ những vị trí đầu bảng. Copenhagen (Đan Mạch) - thành phố Châu Âu tăng từ thứ hạng 8 vào năm 2019 lên vị trí số 1 năm nay.

Copenhagen lần đầu tiên được vinh danh là thành phố an toàn nhất thế giới, đạt chỉ số SCI 82,4 trên thang điểm 100, chủ yếu dựa trên tiêu chí an ninh môi trường và an ninh cá nhân.

Năm 2019, TP.HCM là đô thị duy nhất của Việt Nam được đánh giá, xếp thứ 47 trên tổng 60 đại diện khắp thế giới, ngang hàng với Bangkok của Thái Lan. So với lần xem xét trước đó vào năm 2017, TP.HCM đã tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng tổng. Xuất hiện trong bảng xếp hạng này, TP.HCM cũng có thể được xem là thành phố an toàn nhất Việt Nam hiện nay.


Với tần suất thiên tai, ô nhiễm môi trường, tội phạm, kẻ gây rối tăng lên, an toàn công cộng đã trở thành vấn đề vô cùng quan trọng và bức thiết. Song song với việc xây dựng thành phố thông minh, các giải pháp bảo vệ cuộc sống, tài sản của công dân cũng cần được chú trọng mở rộng và phát triển.